Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Khách đến Đà Nẵng đòi thay ngay hướng dẫn viên vì... hôi

Hai du khách Tây Ban Nha từ Đà Nẵng vào Hội An đã yêu cầu đổi ngay hướng dẫn viên vì ăn mặc luộm thuộm, tóc tai bù xù, có mùi hôi và không lo hướng dẫn cho khách mà chỉ lo đi shopping mua đồ cho mình!

Một chuyện đầy phản cảm
 
“Trước khi đi vào nội dung chính của buổi tọa đàm, tôi xin chia sẻ một chuyện mà đến 7h30 sáng nay mới giải quyết xong, có liên quan trực tiếp đến hướng dẫn viên (HDV).” – ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ HDV du lịch Đà Nẵng mở đầu phát biểu của mình tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển HDV tiếng hiếm trên địa bàn Đà Nẵng” do Sở VH-TT-DL TP tổ chức ngày 31/10 (Infonet đã đưa tin) bằng một câu như thế.
 
Khách đến Đà Nẵng đòi thay ngay hướng dẫn viên vì... hôi 1
HDV du lịch hướng dẫn cho du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Ảnh: HC).

Rồi ông kể, ông không tiện nêu tên người HDV đó và công ty du lịch đã thuê anh ta nhưng sáng 30/10, anh này được giao hướng dẫn cho 2 du khách Tây Ban Nha từ Đà Nẵng vào Hội An. Tới 7h tối, hai du khách này gọi điện về hãng du lịch ở Tây Ban Nhà mà họ đã mua tour và sau đó thì ông nhận được thông tin từ hãng yêu cầu đổi ngay HDV!

“Lý do là người HDV đó ăn mặc rất luộm thuộm, tóc tai bù xù, thậm chí trong người có mùi hôi. Và người HDV đó không lo hướng dẫn cho khách mà chỉ lo đi shopping mua đồ cho mình. Một tay xách cái này, một tay xách cái kia, vai mang túi xách. Thế là khách chụp ảnh gửi cho tôi. Từ 11h tối hôm qua đến 7h sáng nay tôi mới tìm được HDV thay thế người đó!” – ông Trần Trà thuật lại.

Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng khẳng định: “không có cái nhìn phiến diện nhưng cũng chỉ ra cái phổ biến mà các công ty lữ hành gặp thường xuyên là 10 HDV thì hết 6 – 7 người vì lợi ích cá nhân hơn là lợi ích điểm đến, lên xe là nghĩ cách làm sao đưa khách đi shopping (để hưởng hoa hồng của nơi bán hàng), làm sao optional tours (bắt tay với các điểm đến bán thêm tour ngoài chương trình để kiếm lợi riêng mà không báo về cho hãng lữ hành), làm sao kiếm tiền tips (tiền boa của khách sau khi kết thúc tour) cho nhiều, chứ không phải làm sao giới thiệu được cái hay, cái đẹp của điểm đến”.

HDV du lịch nói gì?

Trước những ý kiến này, PV  đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Thường (trú tại 242/16 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), năm nay 65 tuổi, làm nghề HDV du lịch tiếng Tây Ban Nha từ năm 1993, đến nay đã 21 năm. Người HDV lão làng này cho rằng “trường hợp như anh Trần Trà phản ánh chỉ là hy hữu thôi”.

Nhưng rồi ông cũng thừa nhận: “Có những HDV trẻ bây giờ vì nhiều tác động chứ không phải chỉ có việc hướng dẫn cho du khách, ví dụ như tác động từ tài xế chẳng hạn. Thành ra họ phải thế này, phải thế kia. Họ vì quyền lợi của mình là một, rồi còn quyền lợi của tài xế là hai... nên họ làm có nhiều lúc khiến khách không vừa lòng!”.

Khách đến Đà Nẵng đòi thay ngay hướng dẫn viên vì... hôi 2
HDV lão làng Hồ Văn Thường trả lời phỏng vấn báo chí về những phản ảnh bất lợi đối với đội ngũ HDV trên địa bàn Đà Nẵng (Ảnh: HC).
Theo ông, HDV đi tour một ngày được mấy trăm ngàn, còn tài xế xe du lịch chỉ được 30.000 đồng. Vì vậy, khi qua làng đá mỹ nghệ Non Nước chẳng hạn, khách không muốn thì HDV cũng phải bằng mọi cách thuyết phục họ vào các cửa hàng bán đồ đá. “Chỉ cần đưa khách vào cửa hàng là tài xế được bồi dưỡng. Mình không đưa khách vô đó thì lái xe chết đói. Áp lực là ở chỗ đó. Phải đưa khách vào để lấy được vài đồng tiền “cửa”. Khổ thế đấy, hiểu chưa?” – ông Hồ Văn Thường nói.

Xác nhận điều ông Hồ Văn Thường nói, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng Dương Quốc Cường cho hay, ông từng trực tiếp chứng kiến có những tài xế xe du lịch đưa khách ra sân bay, thấy khách không boa, không gửi ít tiền bồi dưỡng là họ thả HDV ở đó luôn, thậm chí nhìn HDV bằng con mắt rất ác cảm. Rồi ông đặt câu hỏi: “Lái xe nhìn HDV như thế thì họ còn nhìn khách thế nào nữa?”.

Ảnh hưởng rất tiêu cực

Theo ông Trần Trà, với 1.612 người được cấp thẻ thì Đà Nẵng không phải quá lo về số lượng HDV du lịch, nhưng chất lượng thì rất đáng quan tâm. Tuy hầu hết HDV trên địa bàn thể hiện được vai trò là người đại sứ, người chuyển tải thông tin, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước, song cũng không hiếm trường hợp gây tác dụng ngược.

"Du khách đến mà vui vẻ ra về thì sẽ giúp cho việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng và Việt Nam rất tích cực. Nhưng khi HDV hạn chế về ngôn ngữ hoặc tác phong, đạo đức nghề nghiệp chưa đúng chuẩn thì sẽ gây ảnh hưởng lớn, khiến hình ảnh của chúng ta trở nên không tốt trong mắt du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Như chuyện tôi vừa kể, lẽ ra người HDV đó phải thể hiện vai trò khi tác nghiệp, nhưng anh ta lại quên là mình đang hướng dẫn cho khách, để rồi gây ra bất lợi. Khách chụp hình anh ta gửi cho các phương tiện thông tin đại chúng thì rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh của du lịch TP nói riêng, đất nước nói chung.” – ông Trần Trà nói.

Báo cáo của Sở VH-TT-DL Đà Nẵng tại cuộc tọa đàm cũng thừa nhận: “Đà Nẵng có trên 1.600 HDV được cấp thẻ nhưng chất lượng chưa cao, vì vậy số lượng HDV được các công ty lữ hành sử dụng chỉ chưa bằng một nửa số lượng đã được cấp thẻ!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét