Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN lên tiếng về “Lò sản xuất tiến sĩ”

Chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi" - GS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho biết tại buổi họp báo về thông tin “Lò sản xuất tiến sĩ” đang gây xôn xao trên mạng xã hội.

Xôn xao “lò sản xuất tiến sĩ”
Sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì buổi họp báo liên quan đến thông tin “Lò sản xuất tiến sĩ” đang gây xôn xao trên mạng xã hội.
Sự việc bắt đầu khi vài ngày gần đây, cư dân mạng đã chia sẻ thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/1- 11/4, cơ sở này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Nhân học, Khảo cổ học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học...
Với con số này, một số người nhẩm tính: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ.
GS Võ Khánh Vinh tại buổi họp báo
GS Võ Khánh Vinh tại buổi họp báo
Không dừng lại ở đó, nhiều người còn chia sẻ về những đề tài được bảo vệ lần này và cho rằng chưa xứng tầm như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...”
Trả lời báo chí trước đó về điều này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án, các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ”.
Chưa có luận án nào bị đánh giá không đạt yêu cầu
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, một số chuyên gia đến từ Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Tâm lý học cũng đã lên tiếng về việc một số đề tài được bảo vệ đợt này có thực tiễn hay không. Các đại diện này cho rằng, đây là các đề tài mang tính lý luận và thực tiễn rất tốt, không nên quy chụp rằng nó không có gì để nghiên cứu.
Theo GS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành, mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Đặc biệt nhiều ngành rất quan trọng nhưng trên thực tế, chỉ tiêu đào tạo vẫn còn rất ít.
Về quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện, theo ông Vinh thì rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD&ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại học viện. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm.
Các khách mời đại diện một số đơn vị, trả lời phỏng vấn của phóng viên
Các khách mời đại diện một số đơn vị, trả lời phỏng vấn của phóng viên
Trả lời câu hỏi: “Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay, không phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ trong thời gian bao lâu mà chất lượng đào tạo như thế nào? Làm sao để đảm bảo chất lượng luận án”?
Ông Vinh cho biết, học viện không đào tạo cử nhân. Học viện có 412 GS, PGS, TS là từ viện hàn lâm, và đây là cơ hữu. Ngoài ra, học viện còn huy động gần 2 nghìn cán bộ từ TS trở lên trong cả nước. Nhiều nhà chuyên môn giỏi đã thôi quản lý ở cấp bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng cũng tham gia đào tạo ở học viện. Điều này nói lên chất lượng đào tạo của học viện.
Nói thêm về điều này, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- ông Phạm Văn Đức, cho biết thêm: Tất cả luận án sau khi bảo vệ được Bộ chọn ngẫu nhiên 10% để thẩm định lại. Chưa có luận án nào của Học viện bị đánh giá không đạt yêu cầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét