Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Cô Phạm Thị Hồng "dặn dò" học sinh trước kì thi tuyển sinh vào lớp 10

Làm thế nào để giành điểm tối đa ở mỗi câu hỏi? Trình bày bài thi như thế nào để tránh mất điểm "oan"? Ôn tập thế nào cho hiệu quả khi kì thi đã cận kề? ...Trước thềm kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 đang đến rất gần, cô Phạm Thị Hồng chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện và làm bài thi môn Toán với những bạn học sinh lớp 9.

KINH NGHIỆM CHUNG KHI LÀM BÀI
  • Đọc đề bài một lượt, nếu thấy bài nào dễ thì làm trước, không cần theo thứ tự. Nháp trước khi trình bày vào bài thi.
  • Trong một bài toán có 3 câu mà mới làm được 1 câu cũng viết vào bài, câu chưa làm được để lại. Bài tiếp theo làm ngay ở dưới (không cần để cách giấy).
  • Khi đã làm xong các câu dễ, suy nghĩ và làm các câu còn lại. Câu nào làm được tiếp chỉ cần ghi vào bài thi như sau: Bài 1 câu C; hoặc Bài 3 câu b .... và trình bày lời giải.
Co Pham Thi Hong
Cô giáo Phạm Thị Hồng - GV Toán, nguyên Hiệu phó trường THCS Láng Thượng

ĐỂ GIÀNH ĐIỂM TỐI ĐA Ở TỪNG DẠNG BÀI

1. Bài Rút gọn biểu thức

Câu a: Rút gọn biểu thức
  • Xem phân thức nào có thể rút gọn (khi phân tích tử và mẫu thành nhân tử) trước khi quy đồng.
  • Tuân thủ thứ tự thực hiện phép tính.
  • Không nên làm tắt khi quy đồng có dấu " - " ở trước phân thức vì rất dễ bị nhầm dấu dẫn đến kết quả sai.
Các câu b, c, d : khi giải và kết luận cần chú ý đến điều kiện xác định của ẩn.

2. Bài Giải phương trình, hệ phương trình (giải bài toán bằng cách lập phương trình)

a. Đọc kĩ yêu cầu
  • Nếu đề yêu cầu giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình thì phải giải bằng cách lập hệ phương trình.
  • Nếu đề yêu cầu giải bài toán bằng cách lập phương trình thì có thể giải bằng cách lập phương trình hay hệ phương trình đều được.
b. Phân tíchdữ kiện đề bài
  • Thống nhất đơn vị (nếu cần).
  • Phân tích đề bài bằng cách kẻ bảng ra nháp.
  • Thường chọn ẩn trực tiếp dựa vào câu hỏi của bài (đơn vị, điều kiện).
  • Có lập luận khi có số mới hoặc đại lượng mới (chú ý đơn vị).
  • Khi đã có phương trình, nên rút gọn phương trình (nếu có thể) trước khi giải.
3. Bài Hình học

a. Vẽ hình
  • Đọc kĩ đề bài, vẽ nhanh hình ra nháp rồi mới vẽ vào bài thi.
  • Phân biệt "điểm nằm giữa" và "trung điểm của đoạn thẳng"; điểm thuộc tia hay thuộc tia đối của tia.
  • Nên dùng bút chì vẽ hình và viết tên các điểm (ở nháp) từ đó có hình vẽ chuẩn vào bài thi, tránh đường kẻ đè lên tên các điểm.
b. Làm bài
  • Câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Nếu câu a không làm được thì để lại làm câu b, c trước (công nhận kết quả câu a khi câu b, c cần đến kết quả của câu a). Sau đó làm câu a sau cũng được.
  • Khi chứng minh phải có đủ lập luận, căn cứ.
PHƯƠNG PHÁP ÔN LUYỆN TRONG GIAI ĐOẠN "CẤP TỐC"

1. Ôn kiến thức

Hình học: Nắm chắc nội dung các định nghĩa, định lí được học trong chương trình (xem lại phần tóm tắt ở các bài Ôn tập chương trong Sách giáo khoa)

Chay dua voi thoi gianĐại số:
  • Các hằng đẳng thức đáng nhớ
  • Tính chất tỉ lệ thức
  • Công thức giải phương trình bậc hai
  • Định lí Vi-et
  • Định lí dấu của tam thức bậc hai
  • Phương trình bậc hai có nghiệm thỏa mãn các điều kiện
  • Các phương pháp tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất
2. Luyện giải bài theo dạng, theo chuyên đề và luyện giải đề thi

- Có thể phân dạng các bài toán và ôn tập tổng hợp thành từng chuyên đề để đảm bảo tính hệ thống về kiến thức đồng thời giúp các em hiểu sâu, hiểu kĩ về các vấn đề liên quan đến nội dung từng chuyên đề. Có thể phân chia nội dung ôn tập thành các chuyên đề như sau:
  • Đại số:
    • Rút gọn biểu thức
    • Hàm số và đồ thị
    • Phương trình và hệ phương bậc nhất (giải bài toán bằng cách lập phương trình)
    • Phương trình bậc hai
    • Bất đẳng thức, GTLN, GTNN
  • Hình học:
    • Hệ thức lượng trong tam giác vuông
    • Góc và đường tròn
- Luyện giải đề thi: Đây là phương pháp ôn tập đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn cuối của chương trình ôn luyện thi. Luyện giải đề thi sẽ cho các em nhìn nhận, đánh giá lại thực lực của bản thân, phát hiện ra những điểm yếu, những "lỗ hổng" kiến thức để mau chóng khắc phục đồng thời có thêm kĩ năng, kinh nghiệm và rèn luyện tâm lí thi cử. Hãy bắt đầu bằng những đề thi của tỉnh/thành phố mình các năm học trước rồi sưu tầm thêm các đề thi chất lượng của các tỉnh/thành phố khác, đề thi thử của các trường, các thầy cô uy tín để có thêm cơ hội tập dượt.

Các khóa luyện thi vào 10 tại Hocmai.vn

Hocmai.vn xin gửi đến cô Phạm Thị Hồng lời cám ơn sâu sắc và mến chúc các bạn đang chuẩn bị bước vào kì thi thật nhiều may mắn và thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét