Với mong muốn tìm được câu trả lời cho nhiều điều
chưa rõ ràng trong việc đưa 10 hộ dân đến ký hợp đồng thế chấp 11 "sổ
đỏ" với Sacombank Bắc Ninh, PV Dân trí đã đến công ty Hương Thịnh nhưng
chưa thể tìm được lời giải đáp.
>> Con đường đưa 11 chiếc “sổ đỏ” đến với Sacombank Bắc Ninh
>> Doanh nghiệp “giãy chết” khiến người dân tan cửa nát nhà
>> “Vụ đem 11 sổ đỏ thế chấp vào ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo”
Xin mời quý vị theo dõi clip: Mục sở thị kho, xưởng "đa ngân hàng" của Công ty thép Hương Thịnh:
Công ty thép Hương Thịnh nằm trên mảnh đất rộng hơn 3 hecta trong
Cụm công nghiệp Hoàng Ninh (Việt Yên - Bắc Giang), được cho biết đã sản
xuất kinh doanh ở đây khoảng 10 năm nay.
Qua các hồ sơ thu thập được, được biết công ty này hiện đang vay nợ
tới 5 ngân hàng, và tỷ lệ không nhỏ trong các khoản vay này đã trở thành
nợ xấu, khi công ty không trả được nợ và việc sản xuất kinh doanh của
công ty đã bị ngưng trệ trong thời gian dài.Cũng chính vì các khoản nợ xấu này, công ty này đã hứa hẹn với nhiều người dân, đưa "sổ đỏ" thế chấp vào các ngân hàng để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty, mà cụ thể nhất là hàng chục chiếc "sổ đỏ" thế chấp tại Sacombank chi nhánh Bắc Ninh và SeABank.
Hồi tháng 4/2013, nhiều người dân sau khi phát hiện công ty Hương Thịnh không thực hiện lời hứa và đứng trước nguy cơ mất "sổ đỏ" đã tụ tập trước trụ sở SeABank ở đường Láng Hạ (Hà Nội) để đòi "sổ đỏ".
Câu chuyện tương tự lặp lại vào cuối tháng 7 vừa qua tại trụ sở Sacombank chi nhánh Bắc Ninh, khi một số hộ dân đã căng băng rôn trước ngân hàng này, đòi được trả lại 11 "sổ đỏ" đã thế chấp.
Mang theo nhiều câu hỏi muốn được ông Chu Văn Lương - Giám đốc công ty này giải đáp, PV báo Dân trí đã tìm tới công ty Hương Thịnh tại Cụm công nghiệp Hoàng Ninh.
Theo ghi nhận của PV, trước cổng công ty này, ngoài tấm biển ghi công ty Hương Thịnh, hiện đã gắn thêm biển của công ty Ngọc Vang, một công ty được giới thiệu là tham gia vào việc tái cơ cấu công ty thép Hương Thịnh.
Trong phòng giám đốc, một người phụ nữ giới thiệu tên là Vang, là Giám đốc công ty Ngọc Vang. Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về công ty Hương Thịnh, bà Vang đã giới thiệu sang gặp một người phụ nữ khác tên là Quyên, người mà theo bà Vang là Phó Giám đốc công ty Hương Thịnh, ở cùng dãy nhà trong trụ sở công ty này.
Tuy nhiên, bà Quyên khẳng định mình chỉ là nhân viên, không có chức vụ gì ở công ty Hương Thịnh. Tiếp chúng tôi với thái độ khá dè dặt, bà Quyên cho biết: "Chị Vang mới vào để làm liên doanh, liên kết để tái cấu trúc Hương Thịnh, khoảng vài tháng nay. Trước đây, anh Lương làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, là người gây dựng, duy trì tất cả và là lãnh đạo ở đây".
Cũng theo bà Quyên, thì thời gian qua ông Lương ít có mặt ở công ty vì "bận giải quyết công việc với một số ngân hàng".
Người phụ nữ này cũng cho biết thêm: "Kho thép thì trước đây hai ngân hàng quản lý, vay thế chấp bằng hàng, đến nay thì cán bộ của Sacombank và SeABank để bảo vệ, và quản lý việc bán hàng. Hiện bán thì chúng tôi không thu đồng nào, mà hoàn toàn do cán bộ tín dụng ngân hàng quản lý hết".
Bà Quyên nhiệt tình tiết lộ cho phóng viên số điện thoại của ông Chu Văn Lương, đồng thời nói thêm: “Cứ đi làm việc với các cơ quan thì lãnh đạo hay tắt máy”.
Còn theo bà Vang, sau khi tìm hiểu về tình hình của công ty Hương Thịnh, bà và một số cổ đông quyết định cùng "gánh vác" với công ty này để sửa chữa, phục hồi máy móc, dự kiến đưa nhà máy thép trở lại hoạt động.
Mặc dù từ chối nói sâu về thực trạng tài chính cũng như những quan hệ còn nhiều điều chưa rõ ràng giữa công ty Hương Thịnh và người dân cũng như các ngân hàng, bà Vang chia sẻ: “Người dân đưa tài sản vào mong nhà máy hoạt động sản xuất trở lại, nhưng khi đưa vào thì ngân hàng không phát tiền ra, mà dùng để cấn trừ công nợ thì mâu thuẫn nảy sinh giữa công ty với ngân hàng, đến nay chưa giải quyết được”.
“Trong quá trình chúng tôi đi tìm vốn, đi đến các ngân hàng thì đều nhận được câu trả lời là nên quay lại với các ngân hàng cũ (5 ngân hàng đang có phát sinh dư nợ tín dụng với công ty Hương Thịnh trước đó - PV), mà ngân hàng cũ lại không ủng hộ. Đến nay thì chỉ có 2 ngân hàng hé mở, còn 3 ngân hàng vẫn đóng cửa. Nếu cả 5 ngân hàng mà cùng nới lỏng ra một chút, thì công ty Hương Thịnh đã không đến mức như ngày hôm nay”, bàVang nói.
Bà Vang cũng cho rằng một số ngân hàng chưa thiện chí với công ty Hương Thịnh, dẫn đến cảnh "đưa thêm cái gì vào ngân hàng thì bị giữ cái nấy. Đưa tiền thì giữ tiền, đưa tài sản thì giữ tài sản".
Khác với sự dè dặt và rào đón trước đó, khi phóng viên nêu băn khoăn: "Liệu có logic không khi ngân hàng không có cam kết nào về việc giải ngân hoặc cơ cấu nợ, mà người dân lại tự nguyện đưa "sổ đỏ" vào thế chấp?", bà Quyên nói rõ: "Không có logic, hoàn toàn không có logic" và tỏ rõ sự không hài lòng về một số ngân hàng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Quyên cũng nhanh chóng "đính chính" lại rằng bà chỉ là nhân viên làm công ăn lương, không hiểu rõ câu chuyện và quan hệ của lãnh đạo công ty.
Cứ như vậy, các câu hỏi về công ty Hương Thịnh thì cả bà Quyên lẫn bà Vang đề nói rằng họ không nắm rõ, nhưng cả hai người đều không giấu được sự không hài lòng đối với một số ngân hàng có quan hệ tín dụng với Hương Thịnh.
Còn người nắm rõ nhất về tất cả các câu chuyện này là ông Chu Văn Lương thì chúng tôi chưa thể tìm gặp được. Theo số điện thoại mà bà Quyên cung cấp, chúng tôi nỗ lực liên hệ với ông Lương nhưng máy luôn trong tình trạng tắt. Ngay chính bà Quyên, sau ba ngày, cũng cho biết qua điện thoại là bà chưa hề gặp được lãnh đạo để báo cáo về đề nghị được đặt lịch làm việc của phóng viên.
Chính vì thế, những câu hỏi về vai trò của người đàn ông tên Miền, về động lực của việc đưa hàng chục chiếc "sổ đỏ" của dân thế chấp vào các ngân hàng, về khoản nợ xấu hay lý do vì sao một kho thép hay một dây chuyền sản xuất lại có nhiều ngân hàng cùng niêm phong... đến nay vẫn chỉ là câu hỏi.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Thành Trung - Giám đốc Sacombank Bắc Ninh cũng không trả lời các nội dung cụ thể về sự việc. Ông Trung chỉ tiết lộ: "Liên quan đến phía Công ty thép Hương Thịnh, chúng tôi đang làm việc cả với Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh. Vì đây là vấn đề khá phức tạp nên Bộ Công an phải làm việc. Việc đó như thế nào rồi cũng sẽ phải có kết luận thôi".
Kho thép đang
được các ngân hàng bán để thu hồi nợ cũng như dây chuyền sản xuất ngưng
trệ từ lâu đã cho thấy phần nào thực trạng của công ty (xem thêm clip
đầu bài), và có vẻ như không ít người không biết đến tình cảnh của công
ty này.
Ông Nguyễn Anh
Quyền - Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, có trụ sở
tại KCN Đình Trám ngay gần công ty Hương Thịnh cho biết: "Bây giờ tìm
ông Lương thì khó rồi". Ông Quyền cũng nói thêm cách đây vài năm ông
Lương từng đặt vấn đề thuê đất trong KCN Đình Trám, nhưng Ban quản lý
không đồng ý vì biết được tình trạng khó khăn của Hương Thịnh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét