Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Việt - Mỹ phá thế bế tắc để cải thiện quan hệ như thế nào

Ngay từ cuối năm 1975, Việt Nam và Mỹ đã bắt tay vào việc nối lại các mối liên hệ. Nhưng phải trải qua nhiều năm thương lượng, loại bỏ ngờ vực, xây dựng lòng tin, đến năm 1995, đôi bên mới đi đến bước ngoặt lịch sử - bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
v2-3484-1435125003.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch (phải) cùng đặc sứ Mỹ Bill Sullivan về bình thường hóa quan hệ song phương, trong cuộc gặp năm 1989. Ảnh: Virginia Foote
"Việt Nam bắt đầu trao trả hài cốt binh lính mất tích trong chiến tranh (MIA) cho Mỹ từ tháng 12/1975. Khi đó đoàn nghị sĩ Mỹ sang thăm và nhận hài cốt do hạ nghị sĩ Gillespie “Sonny” Montgomery dẫn đầu", ông Phan Doãn Nam, cựu trợ lý của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người được giao nhiệm vụ tiếp phái đoàn Mỹ, kể lại.
Yêu sách và nghi kỵ
Theo ông Nam, vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) là yêu cầu cơ bản của Mỹ đặt ra với phía Việt Nam ngay từ đầu, để hai nước thảo luận các bước cải thiện quan hệ. Năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter công khai cho biết một trong các điều kiện để "thiết lập quan hệ bình thường hóa" là Việt Nam phải cung cấp danh sách MIA. 
"Chương trình MIA nhằm cố gắng tìm lại một phần hài cốt những người Mỹ từng tham chiến. Đó là một vấn đề chính trị mang nhiều cảm xúc giận dữ sau cuộc chiến. Còn về POW, thật không may là sau chiến tranh, ở Mỹ có rất nhiều người tin rằng vẫn còn có tù binh bị giam giữ tại Việt Nam. Thời điểm ấy có nhiều bộ phim, bài báo trên tạp chí cho rằng đâu đó, Việt Nam đang giam giữ lính Mỹ", bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC), người từng tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán trước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nói.
Về phía Việt Nam, theo ông Nam, một điều kiện chính được đưa ra với phía Mỹ là yêu cầu bồi thường sau chiến tranh. Trong Hiệp định Paris, Mỹ không đề cập tới vấn đề bồi thường, mà chỉ cam kết đóng góp vào "hàn gắn vết thương chiến tranh và công việc xây dựng của Việt Nam", nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, hứa một khoản hơn 3,1 tỷ USD, kèm với điều kiện tuân theo luật pháp mỗi bên.
Trong suốt năm 1977, Việt Nam và Mỹ thực hiện 3 vòng đàm phán ở Paris, đại diện Việt Nam là ông Phan Hiền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trưởng đoàn Mỹ khi đó là Richard Holbrooke, trợ lý ngoại trưởng. Vì vấn đề bồi thường chiến tranh, hai bên không thống nhất được các điều kiện để bình thường hóa và mở văn phòng liên lạc.
Cởi nút thắt 
Theo ông Nam, đến năm 1978, khi trở thành Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nhận thấy việc yêu cầu Mỹ bồi thường chiến tranh không khả thi nên đã không nêu đề nghị đó như một điều kiện tiên quyết của Việt Nam nữa. 
"Tuy nhiên, lúc đó Mỹ lại đang quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nên không chú ý đến đề nghị của Việt Nam", ông Nam cho hay.
Đến năm 1979, những cố gắng để xây dựng quan hệ Việt - Mỹ hậu chiến lại gặp một cản trở mới. Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia giúp đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot theo đề nghị của Mặt trận đoàn kết cứu quốc Campuchia.
Theo bà Virginia Foote, khi đó Mỹ muốn giải quyết xung đột, thiết lập một chính phủ Campuhia được công nhận trước Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, nên đưa ra yêu cầu Việt Nam rút quân.
Ông Nam cho hay, từ năm 1983, ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao, đã có nhiều chuyến đi gặp lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm giải thích những mối nguy nếu để chế độ Pol Pot hoành hành ở Campuchia. Một số nước ASEAN chia sẻ mối quan ngại chung, nhưng họ cũng đề nghị Việt Nam nên rút quân trước sức ép của dư luận quốc tế tại Liên Hợp Quốc. Ông Thạch sau đó trở về báo cáo với các lãnh đạo về quan điểm của các bên về vấn đề Campuchia. Năm 1989, Việt Nam rút quân khỏi nước láng giềng.
"Việt Nam và Mỹ đều thấy việc bình thường hóa là cần thiết, hai bên đều có lợi. Những vấn đề gì còn tồn tại thì gạt dần ra. Năm 1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker mời ông Thạch sang thăm Mỹ", ông Nam kể.
Bản kế hoạch dài
"Ông Baker và ông Thạch đã thống nhất về lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ trong chuyến thăm năm 1990. Đó là một tài liệu mang tính cột mốc", bà Foote nói.
Ông Nam nhận xét, chuyến thăm 1990 của ông Thạch có ý nghĩa rằng "mọi việc về nguyên tắc là xong, coi như hai bên đã hiểu nhau. Bây giờ việc bình thường hóa quan hệ chỉ còn thời điểm".
Là một người bắt đầu tham gia đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ từ năm 1989, bà Foote chia sẻ ban đầu bà và các đồng nghiệp Mỹ nghĩ rằng quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng, "chỉ trong khoảng hai năm", nhưng không phải như thế.
"Khi nhìn vào bản kế hoạch thống nhất giữa ông Baker và ông Thạch, chúng tôi kêu trời, vì nó rất chi tiết và dài. Chúng tôi nhận thấy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ rất khó khăn và quả thực nó như vậy. Nó đặt ra kế hoạch cụ thể và mọi người phải làm rõ mình sẽ đi tới đâu và trong khoảng thời gian nào", bà Foote cho hay.
Ông Phan Doãn Nam kể lại, trong suốt quá trình đàm phán với Mỹ đến tận năm 1991, Việt Nam rất chú ý đến mối quan tâm của Mỹ là yêu cầu cung cấp danh sách MIA và trao trả hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh.
"Các anh em trong Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với bên Bộ Quốc phòng để cập nhật danh sách MIA vì họ biết rõ hơn. Trong quá trình tìm kiếm, một  đồng nghiệp của tôi đã thiệt mạng vì máy bay nổ", ông Nam nói. Nghị sĩ Mỹ Montgomery từng nói với ông Nam "Các ông hỗ trợ rất tuyệt".
Sau khi vấn đề Campuchia trở nên ổn thỏa, đến đầu năm 1993, khi mọi người đang đầy hy vọng về việc thiết lập văn phòng liên lạc ở Washington, thì đột nhiên phía Mỹ đưa ra cái gọi là tài liệu của Thượng tướng Trần Văn Quang, cựu thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam gửi cho Bộ Chính trị, báo cáo về việc "đưa tù binh Mỹ từ Việt Nam sang Nga".
"Sự kiện đó như quả bom nổ tung, làm tan nát hết các dự định giữa hai bên", ông Lê Văn Bàng, người sau này trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Mỹ, kể.
Phía Việt Nam đi điều tra tài liệu về "tù binh bị đưa sang Nga". Đồng thời phía Mỹ cũng phối hợp với Moscow kiểm tra lại xem tài liệu đó có trong kho lưu trữ thật không. Nga khẳng định báo cáo kia là giả, thực chất nó là sản phẩm của một trong những nhóm cựu hữu chống phá quan hệ Việt - Mỹ. Tiến trình bình thường hóa vì vụ việc này bị trì hoãn thêm một thời gian.
Theo bà Foote, chính phủ Mỹ rất coi trọng việc tìm kiếm POW/MIA, bởi gia đình các binh lính có người mất tích muốn được nhận lại hài cốt của người thân. Công cuộc tìm kiếm cũng giúp người Mỹ hiểu thêm phần nào về những gì đã xảy ra ở Việt Nam vài thập kỷ trước đó. Đặc sứ Mỹ chuyên trách về quá trình đàm phán với Việt Nam William Sullivan cũng luôn khẳng định rằng POW/MIA là vấn đề ưu tiên của Mỹ.
"Đó là nhiệm vụ khó khăn và vẫn đang tiếp diễn. Việc này đã chuyển từ khía cạnh chính trị với nhiều xúc cảm giận dữ thành công việc nhân đạo. MIA đã trở thành một chương trình tuyệt vời giữa hai nước, mặc dù nó bắt đầu khá trắc trở", bà Foote cho hay.
Sau nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều trở ngại, ngày 11/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét