Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Say đắm với những hình ảnh Việt Nam quen mà lạ

Có những địa danh ở Việt Nam tưởng như đã quá quen thuộc, thậm chí bạn đi qua hàng ngày, nhưng bạn sẽ vẫn phải ồ lên thích thú với những góc ảnh vừa thân thuộc, vừa mới lạ và thông điệp ẩn chứa trong nó.

Liệu rằng bạn đã thực sự “hiểu” và khám phá hết những điều bí ẩn ở những nơi vốn dĩ quen thuộc này?
Có thể với nhiều bạn trẻ Việt, du lịch trong nước không hấp dẫn bằng khám phá những miền đất lạ. Lý do đưa ra cũng cực kỳ phong phú, như đi mở mang tầm mắt, đi để học hỏi, để chứng tỏ đẳng cấp hay những địa danh nổi tiếng trong nước đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán rồi…
Tất cả lý do trên đều hợp lý, nhưng đừng quên, Việt Nam là một trong những dân tộc Á Đông chứa đựng nhiều phong tục tập quán đặc trưng với tầng sâu lịch sử văn hóa hàng ngàn năm. Bắc bộ có làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm cất giữ những giá trị truyền thống trân quý của các gia đình Việt cổ. Trung bộ nổi bật với cố đô Huế của triều Nguyễn xưa, phố cổ Hội An nhộn nhịp; hay đặc biệt ấn tượng với những dấu ấn văn hoá đặc sắc của người Chăm, người Hoa… ở khu vực Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long…
Có thể khi nhắc đến những địa danh trên bạn sẽ cảm thấy không còn nhiều hứng thú, vì đã ít nhất một lần đến thăm. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi: có những câu chuyện nào ẩn chứa dưới những nếp nhà, viên gạch, những con đường... mà bạn đang đi?
Vì thế, hãy chiêm ngưỡng những hình ảnh Việt Nam vừa quen, vừa lạ dưới đây, để cảm nhận những điều khác biệt, mà rất có thể đã bị chúng ta vô tình bỏ qua.
Bạn có biết, làng nghề Bát Tràng đã trải qua hơn 700 năm tuổi, nức tiếng với gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần – đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê – Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê – thời Nguyễn…)
 
Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Có thể nói, gốm sứ Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.
 
Làng Phước Tích thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng “di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm. Nằm bên bờ Ô Lâu hiền hòa, cách quốc lộ 1A chỉ 1 km, ngôi làng nhỏ yên bình này xưa kia từng nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền.
Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung với danh tự “Độc Phước Tích”.
 
Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
 
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
 
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam.
 
Cầu ngói Thanh Toàn xây dựng vào năm 1776, do bà Trần Thị Ðạo (một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần) cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước.
 
Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa.
 
Bên bờ Bắc của con sông Hương, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc...
Bạn có biết, Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
 
Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ...
 
Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ…
 
Chùa Ông nằm ở đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa trong khu vực.
 
Chùa được xây dựng năm 1894 - 1896 trên một khu đất có diện tích chừng 532m².

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét