Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Trung Quốc đang muốn phong tỏa biển Đông

Trong chiến lược độc chiếm biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi, họ đã chuyển sang dùng các biện pháp quân sự. Điều này không xa lạ trong các tài liệu nghiên cứu về tranh chấp biển. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà chúng ta không cần đề phòng.

Dư luận thế giới lên án Trung Quốc (TQ) theo đuổi chiến lược quân sự hóa các tranh chấp trên biển Đông, cụ thể, chiến lược đó là gì thưa ông?
 
- Trong lý thuyết chiến tranh biển, có nhiều trường phái khác nhau bàn về vận tải, tiếp vận, khí tài, phối trí lực lượng trên biển, biển - bộ, biển - bộ - không.

Một trong những chiến lược mà các nhà khoa học quân sự biển từ Alfred Thayer Mahan, Sir JulianCorbett, Sergey Georgiyevich Gorshkov, Lưu Hoa Thanh cho đến các bên trong chiến tranh Việt Nam đã từng bàn đến và sử dụng đó là phong tỏa biển (tạm dịch từ “sea denial”). Trong đó có phong tỏa biển (sea denial), chống tiếp cận (anti-access) và phong tỏa khu vực (area denial).

Khung của học thuyết này rõ ràng là làm sao tạo được một hệ thống trinh sát đáng tin cậy từ ngoài biển xa để có thể phát hiện được các lực lượng hải quân đối phương và dùng thông tin đó để điều tàu ngầm và máy bay từ lục địa đánh chặn trước khi lực lượng đối phương có thể tiếp cận lục địa.

Đối với TQ, họ vận dụng chiến lược này vào việc tranh chấp như thế nào?

- Trong lý thuyết hải chiến của hải quân TQ, họ chọn cách tấn công tích cực từ xa nhằm đánh bại các lực lượng muốn tấn công TQ hay can thiệp vào bán đảo Đài Loan. Các mô tả cho thấy đây chính là các phương cách của chống tiếp cận và phong tỏa khu vực mà người Mỹ đã đúc kết.

Tuy vậy, cũng có thể cho rằng các chiến lược gia TQ đã mang ứng dụng của hải quân Liên Xô (LX) về cho hải quân TQ, dù rằng trước đó họ đã dự định phát triển theo hướng hải quân hoàng gia Nhật (IJN). Cách thức này cho phép TQ thích ứng hải quân nước họ với cách phòng thủ kiểu Xô Viết theo hướng phong tỏa biển (Sea-denial).

Điểm khác nhau giữa tư duy TQ và LX ở chỗ, LX đề ra chiến lược phòng thủ biển ở các lằn ranh trên biển (lines-in- the-water) còn TQ định vị các vành đai phòng thủ này bằng các chuỗi đảo (first and second island chain).

So với vành đai của LX trước đây là 1.200 hải lý, vành đai của hải quân TQ hiện nay lên đến trên dưới 1.300 hải lý vì đây là khoảng cách mà TQ cho rằng tầm bắn của tên lửa hành trình Tomahawk có thể vươn đến đất TQ. Khoảng không gian to lớn từ 200 đến 1.300 hải lý tất nhiên bao trùm vùng biển cận Philippines và TQ cho rằng cần phải tranh chiếm để nắm giữ.

Trong một thế giới tôn trọng hòa bình như hôm nay, tại sao TQ lại có một chiến lược gây hấn như vậy?

- TQ viện nhiều lý lẽ và tạo ra những lý do vô căn cứ để không chỉ lấn chiếm biển Đông mà còn gây hấn với cả khu vực Hoàng Hải và biển Nhật Bản. Cơ bản là họ đã dựa trên 1 học thuyết hải chiến đầy ám ảnh bị bao vây bắt nguồn từ sự ngoại thuộc từ thời Bát Quốc Liên Quân.

Sự mất cân bằng từ nỗi sợ đến từ biển dẫn đến ngụy tạo và tuyên truyền sai lệch cho dân chúng TQ về chủ quyền biển, về đường chữ U tưởng tượng. Sau đó đến lượt các chiến lược gia hải chiến bị chủ nghĩa dân tộc do chính họ tạo ra cuốn vào vòng xoáy và bỏ qua chính sách phát triển hòa bình.

Việt Nam sẽ làm gì trong ý đồ chiến lược phong tỏa biển để vừa bảo vệ chủ quyền vừa duy trì hòa bình trong khu vực?

- Các quốc gia tranh thủ biển không chỉ do nhu cầu kinh tế và từ đó những chiến lược khống chế biển bằng phong tỏa, kiểm soát, đánh chặn tầm xa đã gia tăng cao độ. Các nhu cầu này có khi dẫn đến những suy nghĩ dân tộc chủ nghĩa, ích kỷ và kết quả là sự theo đuổi chính sách gây hấn, chà đạp luật quốc tế, gây căng thẳng giữa các quốc gia, trong khu vực và gây quan ngại toàn cầu như nhà cầm quyền TQ hiện nay.

Hoàn toàn khác với TQ, thứ nhất Việt Nam đã nhiều lần dựa vào địa thế biển - bộ để chống trả xâm lược thành công. Thứ hai, VN chưa ứng dụng lý thuyết phong tỏa hay kiềm chế biển mà vẫn dựa vào chủ quyền pháp lý có thực và luật pháp quốc tế để khai thác biển.

Để bảo vệ hòa bình và phát triển kinh tế, người Việt Nam có lẽ không thể  bỏ qua nắm bắt các diễn tiến và sử dụng các quan hệ và kiến thức liên quan biển, ngư nghiệp, và đặc biệt những thủ thuật, chiến thuật trong kho chung của nhân loại về hải dương, hải chiến cho đến hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét