Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Cẩn trọng với quyền được bắn

Vấn đề là làm thế nào ngăn ngừa sự phát lộ bản năng ứng xử hoang sơ ở một con người có trong tay cả quyền lực và vũ khí dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
>> "Không lo lạm quyền, vì nổ súng bắn người đâu dễ!"
>> Cuộc đột kích sới bạc có nhiều 'quý bà'
>> Khổ như ở phố cổ Hà Nội
Đề xuất ra quy định cho phép công an, nói chung, nhân viên công lực được phép nổ súng bắn thẳng vào người nào tỏ ra có dấu hiệu chống đối người thừa hành công vụ nhận được những phản ứng rất trái chiều. Có người cho rằng điều này là cần thiết để ngăn chặn thái độ coi thường công lực đang có chiều hướng tràn lan; người khác lo ngại sự lạm dụng quyền được bắn, dẫn đến gia tăng nguy cơ lâm nạn một cách oan uổng đối với người dân thường.

Đúng là trong thời gian gần đầy, báo chí đề cập nhiều, một cách bất thường, về những vụ chống cự, hành hung nhân viên công lực giữa thanh thiên bạch nhật.  Không thể nói rằng xã hội được tổ chức tốt trong điều kiên những vụ việc loại này có dấu hiệu tràn lan. Đặc biệt, công lực là chỗ dựa tối hậu của xã hội trong quá trình thiết lập trật tự và xây dựng cuộc sống cộng đồng bình yên.  Chỗ dựa ấy mà cũng bị tấn công, thì đâu còn chỗ nào trong xã hội được an toàn.

Theo lý thuyết, nhân viên công lực, với chức năng trấn áp kẻ xấu, kẻ ác, được trao không chỉ quyền năng nhân danh nhà chức trách mà cả các công cụ hỗ trợ cho việc thực thi phận sự, bao gồm vũ khí nóng. Vấn đề là làm thế nào ngăn ngừa sự phát lộ bản năng ứng xử hoang sơ ở một con người có trong tay cả quyền lực và vũ khí dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Để giải quyết vấn đề đó về mặt pháp lý, cần đặt ra các quy định thật chặt chẽ để ràng buộc hành vi của người thi hành công vụ trong chừng mực hợp lý.   

Ở các nước, người ta nói rằng vũ khí trong tay nhân viên công lực trước hết và trên hết là nhằm mục đích răn đe. Nói nôm na, cảnh sát, kiểm lâm, hải quan,… đeo vũ khí trên người lúc đang làm nhiệm vụ là để mọi người nhìn thấy mà ngán, run sợ, từ đó dè chừng không dám manh động, làm càn.



Nhiều vụ chống cự, hành hung nhân viên công lực giữa thanh thiên bạch nhật. Ảnh Tiền Phong

Chẳng ai hình dung được rõ ràng một sự việc đang diễn ra rồi sẽ đi đến đâu; nhưng một khi bị bắt gặp trong tình trạng phạm pháp, thì cách tốt nhất để tháo gỡ nút thắt câu chuyện đối với người vi phạm pháp luật, theo tiêu chí bảo đảm sức khoẻ, mạng sống của bản thân, là hợp tác với nhà chức trách. Nếu bất hợp tác, thậm chí chống cự bằng vũ lực, thì nguy cơ bị trấn áp với sự trợ lực của vũ khí là hiển nhiên.

Nói khác đi, hình ảnh nhân viên công lực có vũ trang đập vào mắt người vi phạm pháp luật tự nhiên tạo ra ở người sau này tâm lý e ngại đối đầu; và chính sự cân phân lợi  và hại diễn ra trong đầu của người vi phạm pháp luật trong hoàn cảnh đó sẽ dẫn dắt người này đi đến chỗ lựa chọn thái độ phản ứng được cho là thích hợp; thông thường, đó là sự phục tùng, quy thuận.

Còn về phương diện sử dụng vũ khí, thì, suy cho cùng,  chẳng có sự khác biệt nào về quyền hạn giữa người được trao quyền lực công và người dân thường. Nguyên tắc số một và bất di bất dịch trong cuộc sống dân sự có tổ chức là vũ khí chỉ được cầm lấy và được dùng để phòng vệ, nghĩa là để bảo vệ bản thân người cầm vũ khí hoặc một người khác, nói chung một lợi ích nào đó, chống sự xâm hại có chủ đích từ người khác.

Đã gọi là phòng vệ thì phải có sự tấn công trước của đối phương. Mà đó phải là hành vi tấn công có thật chứ không chỉ được phỏng đoán, dự báo.      
Tóm lại, dù là công lực hay thường dân, thì luật pháp các nước chỉ cho phép cầm vũ khí ra tay một khi đối mặt với một nguồn bạo lực đã thực sự bùng phát, đang gây hoặc đe doạ gây tác hại cho xã hội, cộng đồng, cho con người. Đối với người được phân giao chức năng ngăn chặn, trấn áp các vụ phạm pháp, đòi hỏi này đúng là ngặt nghèo; bởi họ thường xuyên đứng trước hiểm nguy đủ các cấp độ - tiềm tàng, bộc lộ, lên cao trào,… Nếu phải chờ đối phương động thủ mới được quyền đáp trả, thì có khi trễ mất.

Tuy nhiên, chính cái khó ấy đồng thời cũng là cái cần thiết để thử thách bản lĩnh con người; nó cũng được dùng làm thước đo năng lực phán đoán, khả năng phản ứng nhanh nhạy và có hiệu quả của con người trong hoàn cảnh ngặt nghèo để xoay chuyển tình thế. Bản lĩnh và năng lực đó tạo thành phẩm chất của nhân viên công lực, là cái mà xã hội đòi hỏi ở một người, như là điều kiện để xã hội trao cho người đó các quyền năng trấn áp nhân danh nhà chức trách, cùng với vũ khí để thực hiện các quyền năng đó.

Bởi vậy, nếu đề ra quy tắc cho phép nhân viên công lực quyền được bắn khi thấy ở đối tượng chỉ mới xuất hiện dấu hiện manh động chứ chưa có động thái gì cụ thể, thì sẽ xuất hiện trong không gian xã hội những người có quyền dùng vũ khí để tấn công trước. Hiểm hoạ đối với người dân thường là rất lớn.       
>> Bộ Công an vẫn phạt xe không chính chủ
>> Quốc lộ 1A ùn tắc hàng tiếng đồng hồ
>> Thu hồi sách in “đường lưỡi bò”
    PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét