Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Khi trộm cướp là người thân

SGTT.VN - Gần đây quá nhiều vụ án tình thân chồng chất liên tiếp nhau. Những câu hỏi lớn đặt ra: Tại sao họ lại hành xử tàn nhẫn ngay với chính máu mủ ruột rà của mình? Chẳng lẽ đây là thời đại mà ngay cả với người thân cũng phải dè chừng, nghi kỵ, kiểm tra?

>> Lo cạnh tranh không lại các bãi xe không phép
>> Nổ lớn, ngôi nhà lộ diện xưởng chế biến ma túy 'khủng'
>> Rơi từ tầng 14, người đàn ông tử vong


“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn…”
Thiếu tiền hút chích, Nguyễn Thị Kim Ngân và người yêu là Nguyễn Văn Út đã nghĩ ra chuyện điên rồ – cho mẹ uống thuốc mê rồi lấy vàng đem đi tiêu xài! Sau đó sợ bị lộ, cả hai đã siết cổ, nhét giẻ vào miệng mẹ rồi bỏ trốn, dẫn tới cái chết của bà. Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên Kim Ngân 18 năm tù, mức tối đa cho người phạm tội vị thành niên. Còn Nguyễn Văn Út phải chịu án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Mười bảy tuổi, Ngân đã phạm một sai lầm mà cho dù toà đã xử, và người mẹ tội nghiệp dưới suối vàng có tha thứ cho cô, thì liệu mười tám năm sau lương tâm của Ngân có được thảnh thơi? Vẫn còn một nhân tố nữa: đứa con Ngân đang mang trong bụng, cuộc sống của đứa trẻ sẽ như thế nào khi biết rằng mẹ nó từng là thủ phạm giết người, mà nạn nhân không ai khác là bà ngoại của nó?
Một số nghiên cứu về nguyên nhân phạm pháp của các nhà tâm lý học hành vi như Moffitt (1993) đã lưu ý rằng điều quan trọng là phải phân biệt hai loại hành vi phạm pháp. Thứ nhất là hành vi phạm pháp (phản xã hội) kéo dài suốt đời, ám chỉ hành vi phản xã hội xuất hiện lúc đầu đời và tiếp tục trong suốt đời. Những cá nhân này có thể bắt đầu đánh bạn đồng tuổi khi mới lên ba, sau đó chuyển sang ăn cắp hàng hoá trong siêu thị lúc 12 tuổi rồi ăn cắp xe lúc 16 tuổi. Chỉ có 5% thanh niên phù hợp với mẫu hành vi xã hội này. Loại thứ hai là hành vi phạm pháp (phản xã hội) trong thời gian ngắn, chỉ có ở trẻ vị thành niên (11 – 18 tuổi): trẻ tham gia vào các hoạt động như ăn cắp trong siêu thị, sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, số trẻ này vẫn chấp hành quy định của trường học. Hành vi phản xã hội của trẻ biến mất vào cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
Dựa trên những phân tích khoa học, ở Việt Nam chúng ta luôn xác định tâm lý con người có bản chất xã hội, trẻ vị thành niên phạm tội thường là do môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, giáo dục. Số liệu thống kê năm 2008 của viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình, trong đó, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em.

Đừng để mầm non thành trái độc
Tuy nhiên, dù cho bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì những trường hợp như cô gái Nguyễn Thị Kim Ngân kia là một nỗi đau không liều thuốc nào có thể giảm được. Đối với những gia đình khác, chúng ta nên phòng ngừa bằng những quan sát hành vi, tâm lý bất thường ở người thân, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Hãy quan sát những thay đổi bất ngờ của họ và so sánh với thời điểm trước đó, chẳng hạn bỗng dưng sở hữu những vật đắt tiền như xe máy, điện thoại, quần áo sành điệu, đi sớm về khuya thất thường...
Với trẻ vị thành niên, nếu chúng được sống trong một gia đình đầy đủ cha mẹ, được yêu thương, chăm sóc cả vật chất, tinh thần nhưng cha mẹ lại không nhất quán trong cách dạy con, trẻ sẽ không được học cách tự chủ, nghĩa là không được học cách khắc phục áp lực trực tiếp của tình huống, tránh bốc đồng và nghĩ về hậu quả hành động của mình thì vẫn có nguy cơ phạm tội khi lớn lên. Nếu trong gia đình không may có người thân với những hành vi xấu, nên lặng lẽ theo dõi bằng cách thể hiện sự quan tâm chân thật. Nhanh chóng đưa họ tiếp cận với các tổ chức, hoạt động tích cực các phong trào cộng đồng, tham gia thực hiện những hành vi tốt, giúp họ nhanh chóng chọn ra hướng đi tốt cho bản thân mình.
TS Trần Thị Thu Mai
(phó trưởng khoa tâm lý – giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM)


Trộm cắp là hệ luỵ của một quá trình (BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp, phòng khám Tâm Gia An, TP.HCM)
Ngờ người ở ngoài chứ chẳng ai ngờ được hành vi của người thân trong gia đình. Các thói hư như trộm cắp là hệ luỵ của một quá trình chứ không bất chợt trong một ngày. Vì vậy, chúng ta nên yêu thương người thân bằng sự thẳng thắn, để ý, quan sát. Trong gia đình, hạn chế sự phô bày của cải, bởi đó cũng có thể là nguyên nhân khiến những người có thói xấu ỷ lại, nảy lòng tham. Gia đình giáo dục một phần, phần còn lại do những tác động từ xã hội. Vì vậy, nếu có con cái, hãy tìm hiểu bạn của con là ai. Nếu người bạn đó không tốt thì cũng nên có những tác động tích cực để con nhận ra mặt trái, phải, từ đó định hướng đúng đắn lối sống của mình.

Đừng chủ quan với hành vi xấu (Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng, TP.HCM)
Về trường hợp của cô gái cùng người yêu giết mẹ lấy vàng, nguyên nhân phạm tội nói chung của nhóm tội này là do ăn chơi, đua đòi và đặc biệt là nghiện ma tuý. Một nguyên nhân nữa là nền tảng đạo đức gia đình đang có vấn đề: như cách giáo dục con cái, cha mẹ không hoà thuận, mọi người không quan tâm đến nhau... Đối với người thân, đối tượng càng dễ dàng thực hiện vì lợi dụng sự chủ quan, tin tưởng của người thân. Do vậy, gia đình nào có thành viên ham chơi, đua đòi hay nghiện hút thì hết sức cẩn thận trong việc quản lý tài sản và ứng xử với họ. Cần thường xuyên quan sát xem người thân của mình giao du với đối tượng bạn bè nào, có những dấu hiệu gì bất thường trong sinh hoạt hàng ngày để kịp thời khuyên bảo, đề phòng.

Thân tình cũng phải dựa trên pháp luật (Nguyễn Gia Phong, ngụ ở Bình Thạnh, TP.HCM)
Nguyên nhân dẫn đến hành vi sát hại người thân cũng vì chúng ta chủ quan với mối quan hệ ruột rà, còn kẻ phạm tội thì ung dung cho rằng dù có gây ra lỗi lầm gì cũng sẽ được tình thâm tha thứ. Pháp luật luôn có khung hình phạt cho những tội trên, nhưng dù án đã quyết thì nỗi đau máu mủ vẫn còn đó. Bởi vậy, ngay khi nhận thấy hành vi bất thường của người thân trong gia đình, nên kịp thời ngăn chặn bằng mọi hình thức. Nếu một khi người thân phạm tội, bản thân chúng ta không thể khuyên can họ trước đó, thì hãy để pháp luật uốn nắn để họ được tốt hơn sau này. Cách tốt nhất là hãy dạy cho con cái ngay từ khi chúng còn tấm bé đức tính nhân hậu và sự kiềm chế bản thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét