Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Kinh hoàng "công nghệ" tăng trọng heo ở Trung Quốc

(TNO) Dư luận Trung Quốc không khỏi kinh hoàng trước "công nghệ" tăng trọng cho heo ở nước này vừa được tạp chí Caijing đăng tải.

Để cho ra lò những con heo béo tròn khỏe, những người chăn nuôi ở Trung Quốc trộn thuốc kháng sinh và các chất thải công nghiệp độc hại vào thức ăn gia súc để giúp đàn heo tăng trọng nhanh, theo Caijing.
Dùng thuốc kháng sinh để tăng trọng heo
Tạp chí tài chính Caijing của Trung Quốc hôm 12.3 cho biết vì hám lợi mà nhiều nông dân Trung Quốc sử dụng thuốc kháng sinh để làm thuốc tăng trọng cho heo.
Một nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra tại ba trại nuôi heo lớn ở Bắc Kinh, thành phố Phủ Điền tỉnh Phúc Kiến, và ngoại ô thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, theo Caijing.
Họ phát hiện các nông trại này đã trộn một lượng lớn thuốc kháng sinh vào thức ăn gia súc, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố báo cáo cho rằng, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là một thử thách to lớn đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21.
Hồi năm 2006, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm dùng thuốc kháng sinh làm thuốc tăng trọng trong chăn nuôi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện 149 loại gien kháng thuốc kháng sinh trong phân heo, mẫu đất, phân bón ở gần ba trại chăn nuôi heo.
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh khiến heo dễ bị nhiễm dịch bệnh, theo nhóm nghiên cứu.
Đồng thời, các nhà khoa học Mỹ - Trung Quốc còn phát hiện 13 loại kháng sinh khác nhau được trộn vào thức ăn gia súc tại hai trong số ba trại chăn nuôi heo nêu trên.
Theo tờ China Daily, sử dụng thuốc kháng sinh để tăng trọng nhanh cho heo ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc.
Nhưng làm cách nào những con heo nhiễm thuốc kháng sinh lại qua được “cửa ải” kiểm dịch? Theo Caijing, chỉ cần "làm luật" vài nhân dân tệ cho một con heo là sẽ có ngay giấy chứng nhận “heo an toàn”.
Đầu độc đàn heo để tăng trọng?
Ngoài kháng sinh, nông dân Trung Quốc trộn cả hỗn hợp bao gồm chất thải công nghiệp độc hại chứa đồng và kẽm cùng với những kim loại nặng độc hại khác (như cadmium) với liều lượng cao vào thức ăn gia súc để làm heo tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, theo Caijing.
Ngoài ra, nông dân Trung Quốc còn đầu độc đàn heo bằng thạch tín trộn với thức ăn gia súc, nhằm giúp con heo trông khỏe mạnh khi bán ra thị trường.
Heo bị nhiễm thạch tín có da mịn và thịt đỏ hơn bình thường, lại bán được giá tốt trên thị trường.
Tạp chí Caijing dẫn lời các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc cho hay, heo hấp thụ lượng lớn chất kháng sinh, bị ngộ độc kim loại nặng và thạch tín thường có tuổi thọ rất thấp.
Vì thế, nếu không bán được kịp thời là heo chết ngay, nhưng cuối cùng nhiều con heo chết cũng bán được và thịt của chúng được chế biến thành thức ăn hằng ngày, theo Caijing.
Bã thuốc kháng sinh, phân heo dùng làm phân bón có chứa kim loại nặng, thạch tín dần dần ngấm vào đất, nguồn nước sinh hoạt tại khu vực gần trại nuôi heo, đe dọa sức khỏe con người.
Trong tuần qua, số heo chết bị vứt xuống sông Hoàng Phố đã lên đến gần 15 ngàn con.
Nhiều người dân Thượng Hải lo ngại quá nhiều xác heo trôi trên sông sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Liệu nước sông còn uống được không sau khi xác heo nổi lềnh bềnh trên đó? Chính quyền phải có trách nhiệm tiến hành cuộc điều tra toàn diện và cung cấp nước sạch cho người dân", một người dân Thượng Hải có tên Liu Wanqing cho biết.
Cục Cấp nước TP.Thượng Hải vẫn khẳng định nước sinh hoạt qua xử lý lấy từ sông Hoàng Phố vẫn an toàn sau khi tăng cường kiểm tra các mẫu nước trong hai tuần qua.
Tờ China Daily ngày 20.3 dẫn lời một ngư dân kiếm sống trên sông Hoàng Phố, cho biết nước sông quá ô nhiễm nên mấy ngày nay phải dừng hoạt động đánh bắt cá và làm thêm công việc vớt xác heo để kiếm thêm thu nhập.

Hiện nguyên nhân chết của số heo trôi trên sông Hoàng Phố vẫn chưa được xác định rõ và công bố chính thức.
Cư dân mạng và truyền thông báo đài Trung Quốc trong hai tuần qua cũng bàn tán xôn xao, cho rằng chính những cách tăng trọng cho heo bằng các hóa chất độc hại là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 15.000 con heo bị vứt xuống sông Hoàng Phố.
Họ cho rằng chính quyền địa phương đã bưng bít thông tin, nhưng chính quyền Thượng Hải bác bỏ các cáo buộc này.
Vào năm 2012, chính quyền tỉnh Chiết Giang tiến hành chiến dịch truy quét bán heo chết, với hình phạt cao nhất là tù chung thân đối với ai phạm luật bán heo chết và nhiễm bệnh.
Hôm 14.3, 46 người đã hầu tòa về tội sản xuất và bán heo bệnh và chết.
Do sợ lực lượng kiểm dịch thú y Trung Quốc kiểm tra nên việc vứt xác heo chết vẫn được xem là cách an toàn nhất của nông dân nước này. Được biết, một số địa phương ở Trung Quốc đã triển khai dịch vụ lấy xác heo miễn phí đem về trung tâm tiêu hủy để xử lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét