Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Cuộc vượt ngục của tinh trùng

(TNTS) Tại nơi nguy hiểm luôn chực chờ, niềm hy vọng duy nhất của những người vợ trẻ là làm sao có được mống con từ người chồng bị giam mãn đời trong nhà đá.

Một trong những âm mưu táo tợn nhất mà cũng kỳ lạ nhất trong lịch sử vượt ngục đang diễn ra tại Bờ Tây, trong cuộc tranh giành quyền được sống của các hậu duệ người Palestine. Thủ phạm không ai khác hơn là các bà vợ lỡ có chồng đang bị giam trong các nhà tù của Israel, nơi chẳng cho phép thăm tù theo kiểu “vợ chồng”. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp tuồn hàng hóa cấm vào nhà giam để tù nhân có cuộc sống dễ thở hơn. Cái mà họ sống chết cũng phải lấy được từ bên trong nhà tù chính là mầm mống của sự sống.
“Giật” tinh trùng từ trại giam
Bị chối bỏ quyền làm vợ và đối mặt nguy cơ mất luôn quyền làm mẹ, những phụ nữ chân yếu tay mềm đã dùng mọi cách để vận chuyển lậu được tinh trùng của chồng ra khỏi những hàng rào kẽm gai và tường đá hàng lớp. Chẳng biết dùng mưu mẹo như thế nào, các bà vợ cam đoan rằng chỉ cần thủ sẵn lọ có nắp đậy kín và khéo léo một chút, họ có thể đảm bảo rằng chẳng bức tường hoặc rào thép nào có thể cản trở được khát khao làm mẹ.
Cuộc vượt ngục của tinh trùng 
Theo NBC News, bà Faridah Ma’arouf không nén được cười khi nhớ lại cảnh mình hớt hải chạy khỏi cổng nhà giam sau khi hết ngày thăm tù, mang theo mẫu tinh dịch của con trai. “Chúng tôi đã thuê taxi đợi sẵn và hỏa tốc mang mẫu đến bệnh viện”, bà Ma’arouf kể. Và may mắn là mọi chuyện đều suôn sẻ. 3 tháng sau, bà Ma’arouf đưa con dâu đến cơ sở thụ tinh nhân tạo và tận mắt theo dõi quá trình mang thai cháu nội trong niềm hân hoan vô bờ.
Kẻ đầu têu trong những cuộc cướp tinh trùng như trên chính là bác sĩ Salim Abu Khaizaran, Giám đốc Trung tâm hiếm muộn Razan tại thành phố Ramallah (Palestine) ở Bờ Tây.
“Chúng tôi làm chuyện này để giúp những phụ nữ mà đứng dưới góc độ của ngành y là đang trả giá quá đắt”, bác sĩ Abu Khaizaran bày tỏ, nhưng cũng tránh lộ thông tin về số ca mà ông từng hỗ trợ trong thời gian qua. Rõ ràng là bác sĩ Abu Khaizaran có lý. Các bà vợ đã phải chờ chồng suốt nhiều năm, và nhiều trường hợp bỏ cả tuổi thanh xuân mong ngóng chồng được mãn tù. Và đến khi chồng được thả, đa số bà sẽ không còn có thể sinh con được nữa.
Vị bác sĩ nói: “Những người vợ dù chung thủy cách mấy cũng phải chịu 2 lần mất mát, vì cộng đồng lúc đó sẽ gây áp lực buộc ông chồng cưới vợ trẻ để hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống... Đúng là quá tội cho họ”.
“Còn chờ gì nữa?”
Tại Bờ Tây, nhiều thanh niên chịu án tù chung thân vì các tội liên quan đến khủng bố. Ammar Al-Zibben đã ở tù được 16 năm. Ông đang thụ án 27 năm, thêm 25 năm nữa cho tội âm mưu đánh bom ở Jerusalem, khiến 21 người thiệt mạng. Ở tù lâu như vậy, nhưng Al-Zibben vừa mới lên chức bố của một bé trai tên Mohannad, mới 7 tháng tuổi. Người vợ tên Dalal, 32 tuổi, cho hay chính chồng cô đã nghĩ ra ý tưởng thụ tinh nhân tạo từ trong tù. Dalal cũng sẵn sàng đối mặt với những lời ong tiếng ve từ cộng đồng, nhưng trên thực tế thì lại khác.
“Tôi rất ngạc nhiên khi họ đều cổ vũ mình hết sức nhiệt tình. Ai nấy đều cho rằng tôi nên làm như thế và không cần phải chối bỏ cái quyền mà tôi và chồng đáng được hưởng là gây dựng một gia đình”, BBC dẫn lời cô vợ. Dalal kể lại có lúc nhiều người gặp cô trên đường đều chặn lại, hỏi cô còn chờ gì nữa mà không làm như vậy? Tại sao lại bỏ phí thời gian đến thế? Chồng Dalal cuối cùng cũng gặp mặt con lần đầu tiên cách đây 6 tháng, và cảnh tương phùng thật quá nhiều cảm xúc: vui mừng, buồn bã, phấn khích.
“Tôi đã hy sinh mọi thứ khi chồng bị bắt. Giờ đây tôi đã được trao cơ hội này để biến giấc mơ thành hiện thực: có một gia đình mà mình luôn mong muốn. Chúng tôi sẽ cùng đợi chồng ra tù và đoàn tụ”, người mẹ trẻ nói trong nước mắt.
Lời truyền miệng lan nhanh như thêm cánh, không khác chi mưa rào tại mảnh đất từ lâu đã kiệm tiếng cười khi giới thanh niên lũ lượt vào trại giam. Số lượng vợ tù nhân xếp hàng đợi thụ tinh nhân tạo ở các bệnh viện tăng nhanh, theo NBC News dẫn thông tin từ giới bác sĩ. Tất cả đều đối mặt với thách thức khó nuốt giống nhau. Thông thường, một người thăm tù sẽ đi qua máy quét giống như dạng ở phi trường, rồi đến kiểm tra toàn cơ thể, kế đến bị yêu cầu để lại toàn bộ tư trang trong ngăn khóa trước khi đến được nơi thăm tù. Khi thấy mặt người thân, họ chỉ được ngồi nhìn qua khung kiếng, phương tiện trao đổi duy nhất là nói chuyện qua chiếc điện thoại mắc sẵn.
Trước tình trạng nhà tù bị... thất thoát tinh trùng, Cục Quản lý trại giam Israel (IPS) chỉ còn biết thở dài và cho rằng những ca thụ tinh như vậy đúng là quá kỳ diệu. “Dựa trên các biện pháp an ninh và kỹ thuật áp dụng cho tù nhân trong quan hệ với thân nhân, bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ về khả năng buôn lậu được tinh trùng từ trại giam ra ngoài”, theo phát ngôn viên của Cục này là bà Sivan Weizman. Nếu bác sĩ Abu Khaizaran có biết được chính xác cách “cướp” tinh trùng, ông này cũng nhất quyết ngậm tăm. Trong khi đó, bệnh viện dựa vào giấy cam đoan từ 2 người thân trong gia đình nhằm chứng thực rằng tinh trùng đích thực là của người chồng trước khi thực hiện quá trình thụ tinh nhân tạo.
Cũng giống như mọi thai phụ có chồng thụ án tù, Al-Rimawi cố tình giả điên khi được hỏi làm sao tránh thoát được các quản giáo mà vận chuyển tinh trùng thành công. Cô chỉ thừa nhận rằng đó là điều hết sức khó khăn, nhưng nhờ trời thương nên mọi thứ đều suôn sẻ. Lý do cũng dễ hiểu, những người đã thành công không muốn lấp đi nguồn hy vọng của chị em chưa có cơ hội. Đối với những người như Al-Rimawi, cuối cùng phép mầu cũng đã đến.
Bí ẩn chưa lời giải
Sau trường hợp của Dalal và chồng Al-Zibben, giới truyền thông bắt đầu chú ý đến hiện tượng lạ lùng ở Bờ Tây. Theo BBC, có hai bác sĩ chuyên về vô sinh cho hay đã có khoảng 10 phụ nữ Palestine thụ thai bằng cách “giật” tinh trùng từ trại giam. Các bác sĩ cho hay những phụ nữ hối hả mang tinh trùng đến phòng khám của họ, và chúng được chứa trong bất cứ thứ gì có thể mang được, từ chai nước nhỏ đến ly nhựa.
Bác sĩ Abu Khaizaran cho hay trong điều kiện lý tưởng, tinh trùng có thể sống sót trong vòng 48 giờ trước khi được đông lạnh để tiến hành thụ tinh. Thông thường những phụ nữ này đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng vẫn có trường hợp tinh trùng không đủ điều kiện và ông đành bảo họ phải cố gắng thử lần nữa.
Về phía Cục Quản lý trại giam Israel, họ chẳng hiểu nổi các bà vợ Palestine đã làm cách nào để vận chuyển được tinh trùng khỏi nhà tù. Theo quy định, không hề có sự tiếp cận giữa người tù với thân nhân, trừ 10 phút cuối cho phép con cái dưới 8 tuổi được quyền tiếp xúc với người cha.
Trong khi đó, chính quyền Palestine luôn phản đối quy định quá ngặt nghèo ở nhà tù Israel, vốn cấm những cuộc thăm viếng “vợ chồng”. Ở Palestine, tù nhân Israel được quyền rời khỏi trại giam và về nhà thăm vợ.
http://canotodientu.vn  
Thụy Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét